Lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục nhích lên khi có thêm một số ngân hàng thương mại quy mô lớn "nhập cuộc".
Techcombank là ngân hàng mới nhất thông tin điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động. Theo biểu lãi suất mới, khách hàng thường gửi kỳ hạn 3 tháng lên được hưởng lãi suất 3,05%/năm; 6 tháng tăng lên 3,85%/năm; và cao nhất là 4,65% khi gửi từ 12 tháng trở lên. Các mức lãi suất này đã tăng từ 0,35 – 0,65 điểm % so với trước đó.
Đối với khách hàng VIP, lãi suất tại Techcombank cũng tăng cao nhất lên 4,9%/năm khi gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên.
Trong gần 2 tháng trở lại, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn như Eximbank, VPBank, Kienlongbank, ACB, Sacombank…
Hiện, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đang có sự cách biệt đáng kể giữa các ngân hàng. Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đang huy động cao nhất 3%/năm. Các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn như VPBank có lãi suất 4,1%/năm; MB 3,5%/năm; ACB 3,3%/năm, SeABank 3%/năm.
Lãi suất huy động nhích lên gần đây.
Cùng kỳ hạn này, một số ngân hàng có mức lãi suất cao hơn, BVBank nhận gửi tiết kiệm với lãi suất 4,2%/năm; VietBank lãi suất 4,4%/năm; VietABank 4,1%/năm; PVCombank và Oceanbank cùng huy động 4%/năm…
Lãi suất cao nhất khi khách hàng gửi 6 tháng theo thống kê của Wigroup là OCB 4,5%/năm, NCB 4,35%/năm hay CBBank 4,7%/năm…
Trong khi đó, lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất thuộc về các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Như gửi kỳ hạn 24 tháng, một số ngân hàng có lãi suất cao xấp xỉ 6%/năm gồm Vietbank và Saigonbank 5,7%/năm; OCB 5,8%/năm; MB 5,6%/năm; Oceanbank 5,9%/năm...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Bảo Trân, Trưởng phòng phân tích Khối vĩ mô và chiến lược, Công ty chứng khoán Mirae Asset, nhận định lãi suất huy động tăng gần đây do chịu áp lực chủ yếu từ tỉ giá và lạm phát tăng. Lạm phát tháng 4 tăng 4,4% so với cùng kỳ lên mức cao nhất trong 15 tháng chủ yếu do giá thực phẩm, xăng dầu và dịch vụ y tế tăng. CPI cơ bản (+2,8%) vẫn ổn định ở mức thấp trong tháng 4.
"Việc Mỹ duy trì lãi suất cao và thông điệp không rõ ràng có thể tiếp tục gây áp lực mất giá lên các đồng tiền châu Á, bao gồm Việt Nam, trong thời gian tới. Từ đầu năm đến nay, tỉ giá đã tăng khoảng 4,3%. Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng đồng thời 3 công cụ để giảm áp lực tỉ giá, nhằm mục tiêu vẫn duy trì mặt bằng lãi suất thấp giúp phục hồi kinh tế" - bà Bảo Trân nói.
Nguồn: cafef.vn
Xem thêm sản phẩm tại: Nhà đất Đà Lạt.